Bộ Giáo dục và đào tạo công bố những thay đổi trong tuyển sinh Cao đẳng Y Dược 2018. Theo đó điểm cộng của thí sinh có sự thay đổi trong quy chế tuyển sinh năm nay để giúp công bằng hơn giữa các thí sinh.
Mùa tuyển sinh năm 2017 đánh dấu mức điểm cao kỷ lục của nhóm ngành Y Dược, tuy nhiên không phải tất cả thí sinh đạt điểm cao đều trúng tuyển, không ít thí sinh dù đạt điểm chuẩn xét tuyển nhưng vẫn ngậm ngùi “về nhì” trong cuộc đua vào cánh cửa đại học trước những thí sinh đạt điểm thi thấp hơn nhưng có điểm ưu tiên nhiều hơn. Nhiều ý kiến cho rằng cần giảm bớt điểm ưu tiên đối với thí sinh xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng Y Dược và có mức điểm sàn riêng cho nhóm ngành này để đảm bảo sự công bằng cho tất cả thí sinh.
Điểm ưu tiên khu vực lên tới 5 điểm
Cụ thể tại Trường Đại học Y Hà Nội, trong số 27 thí sinh được tuyển thẳng chỉ có 21 em không có điểm ưu tiên, còn lại đều được cộng điểm ưu tiên với mức điểm cộng cao nhất lên đến 5 điểm.
Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP.HCM cũng cho biết, tỉ lệ thí sinh đỗ vào trường là người TP.HCM chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại 90% là thí sinh thuộc các tỉnh khác đều có điểm ưu tiên. Đa số ý kiến cho rằng quy chế cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh Đại học, Cao đẳng là cần thiết, thể hiện sự quan tâm của nhà nước với con em đồng bào dân tộc thiểu số, thí sinh thuộc các vùng khó khăn, con em thương binh liệt sĩ…cũng như phải như vậy mới có bác sĩ làm việc tại các vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Tuy nhiên cần xem xét lại mức điểm cộng để tránh việc một thí sinh được cộng quá nhiều, gây thiệt thòi cho những thí sinh khác.
Để giảm điểm cộng ưu tiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Vinh – Ông Nguyễn Cảnh Phú đưa ra hai đề xuất: Thứ nhất, một thí sinh có nhiều điểm ưu tiên thì chỉ được chọn ưu tiên cao nhất. Thứ hai, thay vì cộng điểm ưu tiên khu vực chênh lệch 0,5 điểm thì chỉ nên chênh lệch là 0,3 điểm bởi hiện nay sự chênh lệch phát triển kinh tế các vùng miền đã có sự rút ngắn đáng kể.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng mức điểm ưu tiên cộng dồn tối đa 3,5 điểm hiện nay là quá cao, thay vào đó chỉ nên cộng tối đa 2.0 điểm vì cộng quá nhiều sẽ tạo khoảng cách lớn trong khi mức điểm xét tuyển chỉ 0,25 điểm mà thôi. Đại diện các trường Đại học, Cao đẳng Y Dược đều cho rằng việc điều chỉnh mức điểm cộng ưu tiên xong tuyển sinh các trường Y Dược sẽ có lợi, giúp các trường giữ được học sinh giỏi nhất cho mình.
Cần có phương án tuyển sinh riêng cho các trường Y Dược
Tại Hội nghị các trường Đại học Y Dược năm 2017, TS Vũ Văn Thành, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định nêu đề xuất cần có phương án tuyển sinh chung cho nhóm trường đào tạo Y Dược.
Theo đó ngoài phần mềm xét tuyển chung, nhóm trường Y Dược cần có một trường giữ vai trò chủ đạo và thực hiện đề án tuyển sinh riêng. Trong quá trình xét tuyển, các trường sẽ chia sẻ thông tin tuyển sinh để giảm tỉ lệ thí sinh ảo. Như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí và nhân lực trong tuyển sinh”. Hiệu phó Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn cũng kiến nghị cần xác lập mức điểm sàn riêng cho các trường Y Dược bởi hiện nay có nhiều trường Đại học Y Dược lấy điểm cao nhưng vẫn có những trường xét tuyển dưới 20 điểm, trong khi giá trị bằng bác sĩ như nhau, nếu không có chính sách điểm sàn riêng cho nhóm ngành sức khỏe sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực Y Dược sau khi ra trường.
Cho đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã chốt phương án tuyển sinh năm 2018 dự kiến trong thời gian tới sẽ tổ chức hội nghị để thảo luận kỹ hơn về chính sách cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh Đại học, Cao đẳng và có quyết định chính thức.